Không gian số ngày nay không chỉ là nơi làm việc, học tập hay tra cứu, mà còn là "hồ sơ văn hóa" phản ánh phẩm chất cá nhân và cộng đồng. Mỗi dòng trạng thái, bình luận, bài viết, hình ảnh hay video đều góp phần tạo nên "chân dung số" của một người dân, một địa phương. Vì vậy, xây dựng "chuẩn mực văn hóa số" là yêu cầu cấp thiết, vừa để giữ gìn bản sắc, vừa để thích ứng với yêu cầu thời đại mới.
Xã Bình Minh: từ sáp nhập hành chính đến áp dụng văn hóa số
Theo Nghị quyết của thành phố Hà Nội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023–2025, "xã Bình Minh mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ 5 xã trước đây gồm: Bình Minh, Thanh Cao, Bích Hòa, Cự Khê, Cao Viên và một phần xã Lam Điền. Đây là bước đi quan trọng nhằm xây dựng chính quyền tinh gọn, hiện đại, gắn với quá trình phát triển đồng bộ chính quyền số -kinh tế số -xã hội số.
Ghi nhận tại Điểm phục vụ hành chính công xã Bình Minh
Ngay trong tuần đầu vận hành mô hình chính quyền mới, xã Bình Minh đã tiếp nhận và giải quyết thành công 400 hồ sơ thủ tục hành chính qua hệ thống Một cửa điện tử. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của chuyển đổi số tại địa phương, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, năng lực thích ứng nhanh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh tổ chức hành chính có nhiều thay đổi.
Bên cạnh kết quả bước đầu về quản lý nhà nước, xã Bình minh cũng đang từng bước xây dựng hình mẫu về đời sốn văn hóa trong môi trường số, nơi chính quyền và nhân dân cùng chung tay kiến tạo chuẩn mực văn hóa mới góp phần gìn giữ sự Văn minh – Thanh lịch đặc trưng của người Hà Nội trong thời đại số hóa. Tại các cụm dân cư tại địa bàn các xã cũ, người dân đều được hướng dẫn tiếp cận nền tảng số: từ đăng ký dịch vụ công trực tuyến, sử dụng mã QR cá nhân, đến việc phản hồi, tương tác qua các kênh mạng xã hội chính thức của xã. Đội ngũ cán bộ, công chức không ngừng rèn luyện kỹ năng số, thực hành phát ngôn chuẩn mực, truyền thông minh bạch, rõ ràng trên môi trường mạng, từng bước xây dựng một chính quyền số "chuyên nghiệp - gần dân - vì dân - văn minh - hiện đại".
Văn hóa số: tiếp nối giá trị truyền thống, định hình chuẩn mực hiện đại
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng định nghĩa:
"Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng… Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa." ( Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011. Tr.431).
Từ định nghĩa đó, có thể thấy rằng văn hóa chính là kết quả của sự sáng tạo không ngừng của con người, để thích ứng với hoàn cảnh sống và thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số toàn diện, một hệ giá trị mới đang hình thành - đó là văn hóa số.
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc văn bia tại chùa Côn Sơn ( tháng 2.1965)
Theo Cẩm nang chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, văn hóa số là:
"Các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số." Đây là khái niệm bao trùm cách con người sử dụng công nghệ, tương tác trên các nền tảng số và thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh cá nhân trước cộng đồng mạng. Nếu như văn hóa truyền thống là kết tinh của hàng nghìn năm lịch sử, thì văn hóa số - tuy còn non trẻ- nhưng lại có sức ảnh hưởng to lớn, quyết định đến việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, nhân văn, lành mạnh.
Xây dựng văn hóa số: Đồng hành từ cộng đồng cơ sở
Xã Bình Minh hôm nay không chỉ đổi mới về bộ máy hành chính, mà còn đang từng bước kiến tạo một môi trường sống mới, nơi mỗi người dân thực sự trở thành chủ thể của tiến trình chuyển đổi số. Trong môi trường số, mọi hành vi ứng xử, từ chia sẻ thông tin, bình luận trên mạng xã hội đến tương tác với dịch vụ công, ...đều thể hiện rõ nét văn hóa và trách nhiệm công dân số. Mỗi lời nói, hành động được thể hiện trên không gian mạng, nếu chuẩn mực, tích cực và có trách nhiệm, sẽ trở thành nguồn năng lượng xã hội tích cực, góp phần nuôi dưỡng niềm tin, tăng cường sự tôn trọng và gắn kết trong cộng đồng. Ngược lại, những hành vi thiếu kiểm soát như phát tán tin giả, bình luận lệch chuẩn, sử dụng ngôn ngữ kích động… có thể làm suy giảm lòng tin, phá vỡ nền tảng văn hóa lành mạnh trong xã hội số.
Chính vì vậy, việc hình thành và thực hành các chuẩn mực văn hóa số được xác định là điều kiện tiên quyết trong quá trình xây dựng công dân số - những người không chỉ thành thạo công nghệ, mà còn có bản lĩnh văn hóa, ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng khi tham gia vào không gian mạng.
Với đặc thù được hình thành từ nhiều đơn vị hành chính khác nhau, xã Bình Minh mới là cộng đồng đa dạng về truyền thống, phong tục và hành vi văn hóa. Do đó, việc xây dựng văn hóa số cần đi từ cơ sở, bắt đầu từ từng cộng đồng nhỏ, từng thôn, cụm dân cư và tổ dân phố gắn với các xã cũ trước đây. Các hoạt động như "Cộng đồng văn minh số", "Mỗi người dân là một đại sứ ứng xử mạng" được triển khai luân phiên tại từng khu vực, nhằm phổ cập kỹ năng số và khơi dậy tinh thần trách nhiệm, văn hóa ứng xử chuẩn mực trong không gian số. Nhiều hình thức truyền thông sáng tạo đã và đang được triển khai mạnh mẽ trên các nền tảng như Facebook, Zalo, Cổng thông tin điện tử xã, bao gồm: hướng dẫn bình luận văn minh; diễn tập xử lý tin giả; tập huấn bảo vệ quyền riêng tư trên mạng xã hội; phổ biến kỹ năng an toàn số cho học sinh, người cao tuổi, phụ nữ, đoàn viên thanh niên… Qua đó, từng bước hình thành nền tảng văn hóa số vững chắc, lấy con người làm trung tâm, lấy cộng đồng làm điểm tựa. Bắt đầu từ mỗi cán bộ, đảng viên đến mỗi người dân, hành xử văn minh, trách nhiệm, tích cực trong không gian số là đang góp phần tạo nên một diện mạo mới: xã hội số, công dân số, văn minh số vì sự phát triển thịnh vượng, bền vững và nhân văn.
(Trao truyền văn hóa trong môi trường học đường)
(Tặng thư viện Xanh tại Trường Tiểu học Thanh Cao)
Văn hóa số – Nâng tầm giá trị người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Từ bao đời nay, hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã trở thành biểu tượng văn hóa tiêu biểu, được ngưỡng mộ và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, những giá trị truyền thống ấy càng cần được kế thừa, phát huy và chuyển hóa thành hành vi ứng xử văn minh trên không gian mạng, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa Thủ đô trong thời đại hội nhập số.
Xã Bình Minh mới được hình thành từ việc sáp nhập nhiều xã với địa bàn rộng, dân số đông đang gặp những khó khăn thách thức không nhỏ trong công tác xây dựng văn hóa số gắn với truyền thống văn hóa vùng ven Thủ đô. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực từ tinh thần phục vụ Nhân dân, tư duy đổi mới của cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đang là nền tảng quan trọng để Bình Minh từng bước trở thành điểm sáng văn hóa số ở cấp cơ sở, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy phát triển bền vững.
Muốn xã hội số phát triển lành mạnh, văn minh, thì không thể thiếu nền tảng văn hóa số chuẩn mực. Các giá trị ứng xử trong môi trường mạng cần được định hình và lan tỏa ngay từ cộng đồng cơ sở, với những nguyên tắc cốt lõi: tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe và đối thoại văn hóa; chia sẻ thông tin có trách nhiệm, không lan truyền tin giả, không sử dụng ngôn từ kích động hay cực đoan; giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tránh lệch chuẩn trong cách viết, cách nói; phản biện tích cực, không công kích cá nhân, không tranh luận thiếu kiểm soát; bảo vệ quyền riêng tư và an toàn số cho bản thân và cộng đồng.
Để những chuẩn mực đó đi vào cuộc sống một cách bền vững, cần có sự vào cuộc đồng bộ của gia đình -nhà trường- xã hội. Trong đó, giáo dục đạo đức số, văn hóa số cho thế hệ trẻ cần được chú trọng ngay từ sớm. Trường học không chỉ là nơi dạy kiến thức, mà còn là môi trường rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trên mạng – đặc biệt quan trọng trong bối cảnh trẻ em, học sinh tiếp cận môi trường số ngày càng sớm và sâu rộng.
Từ truyền thống văn hóa đến bản sắc số hiện đại
Được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ 5 xã và một phần của xã Lam Điền, xã Bình Minh hôm nay không chỉ là đơn vị hành chính mới, mà còn là một cộng đồng đa dạng, gắn bó, có bề dày văn hóa và nhiều tiềm năng phát triển. Việc xây dựng văn hóa số tại đây không chỉ là yêu cầu tất yếu, mà còn là nhiệm vụ căn bản để "xây từ gốc" – nơi truyền thống văn hóa Hà Nội thanh lịch, văn minh được kết nối chặt chẽ với tinh thần công dân số trách nhiệm, chủ động, hiện đại.
Với nền tảng là sự đồng thuận của nhân dân, sự đổi mới từ đội ngũ cán bộ và sự đồng hành của các tổ chức chính trị – xã hội, xã Bình Minh đang dần định hình một mô hình "cộng đồng số kiểu mẫu": nơi chính quyền số hoạt động minh bạch, người dân tích cực tham gia và mọi tương tác đều hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, nhân văn và bền vững.
Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện của Thủ đô, xã Bình Minh sẽ phấn đấu để trở thành vị thế là một điểm sáng tiên phong, góp phần làm rạng danh Hà Nội -Thành phố vì hòa bình, hiện đại, văn minh và đầy bản sắc.
Phòng Văn hóa- Xã hội , Xã Bình Minh