Bệnh sốt xuất huyết (SXH) ghi nhận 21 trường hợp mắc tại 17 xã, phường (tăng 8 ca so với tuần trước). Cộng dồn từ đầu năm đến nay là 331 ca mắc, không có tử vong; số ca mắc rải rác tại 90 xã, phường. Mặc dù thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2024, nhưng số mắc có xu hướng gia tăng khi bước vào mùa cao điểm; Bệnh tay chân miệng (TCM) ghi nhận 59 trường hợp tại 42 xã, phường, không có trường hợp tử vong (giảm 18 ca so với tuần trước). Cộng dồn từ đầu năm: 3.046 trường hợp, phân bố tại 126 xã, phường, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024; Bệnh sởi ghi nhận 40 ca trong tuần, giảm 48 ca so với tuần trước; tuy nhiên, cộng dồn từ đầu năm đến nay đã có 4.225 trường hợp tại 125 xã, phường, trong đó có 01 trường hợp tử vong. Bệnh phân bố ở nhiều nhóm tuổi, trong đó tỷ lệ cao ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Ngoài ra, ghi nhận 65 ca mắc COVID-19 (giảm so với tuần trước), 01 ca liên cầu lợn; không ghi nhận trường hợp mắc não mô cầu, ho gà, viêm não Nhật Bản trong tuần.
Nhận định và dự báo
Sở Y tế Hà Nội nhận định: dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố có nguy cơ diễn biến phức tạp, nhất là trong mùa hè và mùa mưa bão. Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng có thể gia tăng trong thời gian tới nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Một số chỉ số côn trùng tại các khu vực có ca bệnh đã vượt ngưỡng nguy cơ. Bên cạnh đó, mặc dù bệnh sởi và COVID-19 đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới.
Thực hiện soi/bắt bọ gậy
Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch
Để kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, UBND xã Bình Minh đề nghị Trạm y tế xã và các điểm y tế tại các địa phương trên địa bàn, các cơ quan, ban, ngành liên quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, COVID-19…; tổ chức điều tra, khoanh vùng xử lý kịp thời, triệt để các ca bệnh, ổ dịch.
2. Thường xuyên giám sát các chỉ số côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết, nhất là tại các khu vực xuất hiện ca bệnh và các ổ dịch cũ, từ đó triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp.
3. Ngành y tế chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan, tổ chức rà soát đối tượng tiêm chủng, đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh sởi đạt trên 95% quy mô xã; vận động người dân tích cực đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
4. Bảo đảm đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị và kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao.
5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống dịch bệnh mùa hè đến người dân qua hệ thống thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở, các trang thông tin điện tử… Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào việc chủ động phòng bệnh tại hộ gia đình, cộng đồng dân cư và nhà trường.
6. Các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường vệ sinh phòng dịch, phối hợp với y tế địa phương trong công tác giám sát, tuyên truyền và tiêm chủng đầy đủ cho học sinh.
Khuyến nghị đối với người dân
Người dân cần chủ động: Thực hiện các biện pháp phòng bệnh như diệt muỗi, diệt bọ gậy, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ; Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng; Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; Hợp tác với chính quyền và cơ quan y tế trong công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
Thực hiện kiểm tra bọ gậy
Uỷ ban nhân dân xã Bình Minh sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và chỉ đạo các biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.
Phương – Hồng Phòng VHXH