Các nội dung được đặc biệt nhấn mạnh như sau:
Hệ thống di tích phong phú - nhiệm vụ bảo tồn cấp thiết
Hiện nay, trên địa bàn xã Bình Minh có 71 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 27 di tích được xếp hạng cấp thành phố, và 30 di tích chưa được xếp hạng. Đây là hệ thống di sản văn hóa phong phú, phản ánh chiều sâu lịch sử, tín ngưỡng của địa phương, đồng thời là biểu tượng tinh thần và niềm tự hào của các thế hệ người dân Bình Minh.
Trước thực trạng một số hạng mục công trình đã xuống cấp, cộng với nguy cơ ảnh hưởng do thời tiết xấu, UBND xã yêu cầu các phòng, ban, ngành và chính quyền cơ sở thôn, tổ dân phố phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các biện pháp để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hệ thống di tích trong mùa mưa bão.
Rà soát, gia cố các hạng mục dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai
Hiện nay, Phòng Văn hóa – Xã hội đang phối hợp với các thôn, tổ dân phố và Ban quản lý di tích tại cơ sở rà soát toàn bộ hệ thống di tích, kiểm tra các hạng mục dễ xuống cấp như: mái ngói, tường bao, cột gỗ, cửa gỗ, bệ thờ, khu vực bậc tam cấp, nền sân và hệ thống tường chắn.
Đối với các di tích có dấu hiệu thấm dột, tường nứt, mái ngói xô lệch hoặc có cấu kiện gỗ mục ruỗng, sẽ tiến hành lập biên bản hiện trạng và xây dựng phương án gia cố tạm thời ngay trước mùa mưa bão. Những hạng mục có nguy cơ sụt lún hoặc bị ngập sâu khi mưa lớn kéo dài, ... sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo UBND để thực hiện chống đỡ khẩn cấp bằng các vật liệu sẵn có tại địa phương.
Đối với các di tích nằm tại vị trí địa hình trũng thấp như khu vực ven kênh thủy lợi, gần sông Nhuệ hoặc cách xa khu dân cư. Trong trường hợp phát hiện nguy cơ úng ngập, Phòng VHXH xã đã hướng dẫn các phương án đối với các Ban quản lý di tích ở địa phương chủ động phương án kê cao bệ thờ, lót nền chống ẩm, di dời hiện vật quan trọng (tượng thờ, hoành phi, câu đối…) về nơi an toàn, đồng thời tăng cường che chắn bằng bạt chống thấm, bao tải cát và các vật liệu phù hợp.
Song song đó, hệ thống cống, rãnh thoát nước trong và xung quanh khuôn viên di tích cũng đã được chỉ đạo thực hiện khơi thông định kỳ, nhất là tại các vị trí thường xuyên ứ đọng nước, để đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời khi xảy ra mưa lớn, tránh gây hư hại nền móng và làm mục nát các cấu kiện gỗ, đá của công trình.
Hạn chế rủi ro từ cây xanh và yếu tố tự nhiên
Để hạn chế thiệt hại do cây xanh gây ra trong mùa mưa bão, UBND xã Bình Minh đã yêu cầu các đơn vị có chức năng chuyên môn và Ban Quản lý di tích thực hiện tỉa cành, hạ độ cao đối với cây lớn; chặt hạ hoặc đánh chuyển cây già cỗi, nghiêng ngả, có nguy cơ gãy đổ. Những cây cổ thụ trong khuôn viên di tích được gia cố bằng cọc chống, dây giằng để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách và tài sản di tích.
Siết chặt công tác phòng cháy chữa cháy tại di tích
Một nội dung trọng tâm được nhấn mạnh là tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy chữa cháy tại các di tích thường xuyên có người dân đến thắp hương, hành lễ. Hệ thống điện chiếu sáng, thiết bị điện công suất lớn cần được bố trí hợp lý, có người theo dõi, kiểm tra thường xuyên; khu vực thắp hương, đốt nến cần được trang bị các phương tiện an toàn phù hợp. Mỗi điểm di tích phải được trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC tại chỗ như: bình chữa cháy, bể cát, bể nước cứu hỏa và bảng nội quy, tiêu lệnh chữa cháy đặt tại vị trí dễ quan sát. Đồng thời, cần dọn dẹp gọn gàng các vật dụng dễ cháy, tránh để sát nguồn nhiệt nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy nổ.
(Tranh có tính minh họa)
Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm
UBND xã chỉ đạo các tiểu ban quản lý di tích, Ban công tác mặt trận thôn và tổ dân phố tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện bài trí đồ thờ tự, hiện vật tín ngưỡng đúng quy định; giữ gìn vệ sinh môi trường trong và ngoài khuôn viên di tích, không lấn chiếm không gian thờ tự, không đốt vàng mã bừa bãi.
UBND xã sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm hại di tích, xây dựng trái phép, tự ý tu bổ di tích không đúng quy định. Mọi hoạt động tôn tạo, sửa chữa di tích đều phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, trong đó có Nghị định số 166/2018/NĐ-CP, Nghị định số 67/2022/NĐ-CP, và Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Việc bảo vệ di tích trong mùa mưa bão không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà còn là trách nhiệm chính trị, văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong công cuộc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. UBND xã Bình Minh kêu gọi toàn thể hệ thống chính trị, các cơ quan chuyên môn và cộng đồng dân cư cùng chung tay hành động, gìn giữ "những cột mốc văn hóa" thiêng liêng, một phần hồn cốt của quê hương Bình Minh trong hành trình phát triển mới./.
Phòng Văn hoá - Xã hội