Đại diện lãnh đạo Đảng uỷ; HĐND - UBND xã đã công bố và trao các quyết định bổ nhiệm cán bộ chủ chốt của các phòng, ban. Ông Vũ Xuân Lộc- nguyên Đội trưởng Đội Quản lý Trật tự xây dựng huyện Thanh Oai, được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Kinh tế xã Bình Minh theo Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 01/7/2025; Bà Nguyễn thị Minh Ngọc - nguyên Phó trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Thanh Oai, giữ chức vụ Phó trưởng phòng Kinh tế xã Bình Minh, theo Quyết định số:10/QĐ-UBND ngày 01/7/2025. Nhiệm kỳ của các quyết định bổ nhiệm là 05 năm.
Thường trực Đảng ủy trao QĐ chỉ định cho 05 đ/c ủy viên UBND xã
Cũng trong hội nghị, UBND xã công bố và trao quyết định cho 26 đồng chí công chức thuộc biên chế chính thức của Phòng Kinh tế. Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Phòng Kinh tế xã Bình Minh có tổng cộng 28 cán bộ, công chức.
Đ/c Nguyễn Đăng Việt - Chủ tịch UBND xã Bình Minh trao quyết định cho Cán bộ, công chức phòng Kinh tế
Tính từ 01/7/2025 Phòng Kinh tế cấp xã thành đầu mối một cửa xử lý các vấn đề về ngân sách, giấy phép xây nhà, giá điện, quản lý rừng và môi trường, gánh trọn ba trụ cột kinh tế - kỹ thuật cơ sở. Sau ngày 16/6/2025, thời điểm Nghị định 150/2025/NĐ-CP của Chính phủ và hệ thống thông tư chuyên ngành đồng loạt có hiệu lực, phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu), hoặc phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc), trở thành đơn vị hợp nhất nhiều đầu việc kinh tế - kỹ thuật vốn trải dài ở nhiều phòng ban cấp huyện. Theo Điều 15 của Nghị định, phòng Kinh tế tham mưu và giúp UBND xã quản lý nhà nước trên ba mảng lớn: Tài chính - Kế hoạch; Xây dựng - Công thương; Nông nghiệp - Môi trường. Cụ thể:
1. Trụ cột Tài chính - Kế hoạch: ngân sách, đầu tư, đăng ký kinh doanh
Cuối tháng 6/2025, Nghị định 125/2025/NĐ-CP và Luật Ngân sách sửa đổi hoàn tất nhịp cuối của quá trình phân quyền. Kể từ ngày 1/7/2025, phòng Kinh tế cấp xã gánh bốn nhóm nhiệm vụ hạt nhân: Đăng ký kinh doanh tại chỗ: Phòng Kinh tế là cơ quan tiếp nhận, thẩm tra và cấp Giấy chứng nhận cho hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời cập nhật mọi biến động đăng ký. Khâu này trước đây thuộc phòng Tài chính - Kế hoạch huyện:Quản lý ngân sách và lập kế hoạch tài chính: Bộ phận chuyên môn của phòng tự lập dự toán thu-chi, theo dõi điều hành và lập quyết toán ngân sách xã hằng năm. Hồ sơ được trình HĐND xã phê chuẩn trước khi chuyển lên cấp trên; lịch phê chuẩn và mẫu biểu tuân thủ Điều 69 Luật Ngân sách 2025; Chủ động đầu tư công quy mô cơ sở: Thẩm quyền phê duyệt quyết toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quyết toán vốn dự án hoàn thành được giao thẳng cho Chủ tịch UBND xã hoặc UBND xã tuỳ trường hợp. Phòng Kinh tế chịu trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ; Quản lý, khai thác tài sản công và hạ tầng: Danh mục mới bàn giao gồm tài sản kết cấu hạ tầng chợ, thủy lợi nội đồng, đường thủy nội địa, cùng tài sản vô chủ hoặc di sản không người thừa kế. Phòng lập kế hoạch bảo trì, ghi tăng - giảm và bảo đảm kinh phí duy tu.
Tổng cộng 187 đầu việc tài chính - kế hoạch đã chuyển nguyên trạng từ cấp huyện xuống xã, đặt nền tảng để chính quyền cơ sở "quyết - làm - chịu" trọn gói.
2. Trụ cột Xây dựng - Công thương: từ giấy phép xây nhà đến giá bán lẻ điện.
Thông tư 10/2025/TT-BXD cụ thể hoá 15 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực xây dựng ở cấp xã: Cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ và công trình cấp III, cấp IV khi khu vực đã có quy hoạch chi tiết; tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ số trên hệ thống chung của ngành; Thẩm định thiết kế và báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án hạ tầng nhỏ do xã làm chủ đầu tư; lập, trình duyệt và quyết toán dự toán các công trình cải tạo kênh mương, đường giao thông nội đồng, nhà sinh hoạt cộng đồng…;Quản lý chi phí - giá xây dựng tại địa phương: thu thập giá vật liệu, đơn giá nhân công, ca máy; đề xuất điều chỉnh chỉ số giá xây dựng gửi Sở Xây dựng; Xây dựng và điều chỉnh định mức kinh tế - kỹ thuật cho dịch vụ cây xanh, chiếu sáng, cấp nước nông thôn; bảo đảm có nguồn chi trong dự toán ngân sách xã; Quản lý tài sản công ngành xây dựng: lập kế hoạch bảo trì tài sản hạ tầng (đường xã, công viên, hệ thống thoát nước) và kiểm tra hiện trạng định kỳ;
Còn đối với lĩnh vực công thương, Thông tư 37/2025/TT-BCT nêu ra những đầu việc nổi bật gồm: Lập kế hoạch khuyến công và phân bổ nguồn vốn khuyến công hằng năm; tham mưu UBND xã cân đối kinh phí hoặc huy động xã hội hoá;Giám sát giá bán lẻ điện, gas, LPG - đặc biệt tại các khu nhà trọ; tổng hợp tình hình niêm yết giá, báo cáo Sở Công thương theo kỳ; Hỗ trợ cụm công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa: đề xuất cơ chế ưu đãi về đất, tín dụng; theo dõi kết quả sử dụng vốn hỗ trợ; Tổ chức chương trình xúc tiến thương mại tại chỗ (hội chợ, phiên chợ cuối tuần), lập dự toán và quản trị nguồn thu – chi; Kiểm tra, xử phạt lĩnh vực giá cả và bảo vệ người tiêu dùng: phát hiện gian lận, niêm yết giá không đúng; tiếp nhận, hoà giải khiếu nại nhỏ. Tất cả hồ sơ Công thương, từ giấy phép bán lẻ rượu, thuốc lá, LPG đến phương án phát triển chợ nông thôn, đều được nộp, giải quyết và trả kết quả tại bộ phận một cửa xã, thay vì phải đi huyện như trước.
3. Trụ cột Nông nghiệp - Môi trường: quản lý "từ gốc tới ngọn" sản xuất và hệ sinh thái.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản, phụ lục I-VIII Nghị định 131/2025/NĐ-CP trao cho xã quyền:Thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật và tiêu huỷ thuốc bảo vệ thực vật vô chủ; cấp bản quyền giống cây trồng quy mô hộ;Tổ chức tiêm phòng, công bố ổ dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm; thống kê thiệt hại sau thiên tai để đề xuất hỗ trợ; Giao, cho thuê, thu hồi rừng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững; xử lý cháy rừng cấp xã; Giao, gia hạn khu vực biển nuôi trồng thuỷ sản; tiếp nhận hồ sơ khai thác thuỷ sản ven bờ; Phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa nhỏ, kênh mương nội đồng; tiếp nhận đăng ký khai thác nước dưới đất hộ gia đình; Đối với lĩnh vực quản lý môi trường và hạ tầng nông thôn, từ ngày 1/7, phòng Kinh tế cấp xã sẽ thực hiện những nhiệm vụ sau: Lập danh mục cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải; đề xuất dự án xử lý, tổng hợp dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường; Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ đăng ký môi trường với dự án, cơ sở quy mô nhỏ không phải xin giấy phép môi trường cấp tỉnh; Công bố, chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường cấp xã; thành lập tổ khảo sát, đưa ra kế hoạch phục hồi hiện trạng; Triển khai mô hình bảo vệ môi trường làng nghề, hướng dẫn chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đáp ứng quy chuẩn; báo cáo định kỳ cho UBND tỉnh. Nguồn kinh phí cho nhiệm vụ môi trường và nông nghiệp được bóc tách khỏi dự toán huyện; HĐND xã phải điều chỉnh phụ lục ngân sách 2025-2027 ngay trong quý III/2025.
An Tường, Thành Đạt